Bảo quản

CÔNG TÁC BẢO QUẢN HIỆN VẬT
Song hành cùng với hoạt động kiểm kê, thì hoạt động bảo quản hiện vật cũng được quan tâm và tiến hành đúng mức. Từ những năm 1980 trở về trước, công tác bảo quản hiện vật chỉ đơn thuần là giữ gìn hiện vật và áp dụng một số biện pháp bảo quản thủ công, với trang thiết bị thô sơ để bảo quản hiện vật như dùng gạo rang, vôi củ, viên chống ẩm silicagen, dùng dầu luyn để lau gỉ kim loại. Trang thiết bị phục vụ cho công tác bảo quản hiện vật thời kỳ này còn rất nhiều thiếu thốn, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật cho việc gìn giữ hiện vật.

Song với lòng say mê nghề nghiệp, với tinh thần trách nhiệm cao của các cán bộ bảo quản nên dù hiện vật lưu giữ tại kho hay đem đi cất giấu nơi sơ tán, toàn bộ số hiện vật của Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam vẫn được bảo toàn.

Từ năm 1990 đến 2000, công tác bảo quản hiện vật của Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam có những bước đột phá. Đặc biệt vào năm 1994, được sự tài trợ của Sida -Thuỵ Điển, toàn bộ nhà kho được cải tạo, nâng cấp theo hệ thống từng kho chất liệu, với 3 kho chính A, B, C bảo quản hiện vật chia thành 13 chất liệu. Có hệ thống cửa thông gió, hệ thống điều hoà nhiệt độ, máy hút ẩm, máy đo nhiệt ẩm… tương đối đồng bộ, bao gồm: 11 máy hút ẩm công suất 17 lít/24h. Máy điều hoà không khí: 11 máy, công suất lạnh 22.000 BTU/h, một tủ xử lý hiện vật bằng điện lạnh, 9 máy đo nhiệt ẩm.

Trong năm 2000, 2002, 2008, 2009 kho Bảo quản đã phối hợp với Viên hoá chất quân sự Bộ Quốc phòng tổ chức tổng bảo quản toàn bộ hiện vật bằng hoá chất theo từng chất liệu, đã mang lại hiệu quả cao. Hiện vật bảo quản sau gần chục năm không bị gỉ hoặc mối mọt, vẫn giữ nguyên vẹn hình dáng ban đầu, không ảnh hưởng và độc hại đến môi trường làm việc của cán bộ kho và khách tham quan. Phương pháp này đã áp dụng ở một số Bảo tàng khác như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Quân đội… cho kết quả tốt.

Việc tu sửa, phục chế là một trong những hoạt động của công tác bảo quản, nhằm kéo dài tuổi thọ của hiện vật đáp ứng với công tác trưng bày thường trực của Bảo tàng và công tác triển lãm lưu động.

Về mặt nghiên cứu, khai thác và phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá của hiện vật, phục vụ khách tham quan, cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác kho Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam. Công tác này được tiến hành song song với quá trình nghiên cứu xây dựng đề cương trưng bày. Từ năm 1960 đến nay đã tiến hành triển khai nhiều đợt nghiên cứu, khai thác hiện vật, để bổ sung, chỉnh lý cho hệ thống trưng bày cố định tại Bảo tàng. Đặc biệt tính từ năm 1990 đến đầu năm 2010, đã xuất trên 20.000 lượt tài liệu, hiện vật phục vụ cho hơn 100 cuộc triển lãm chuyên đề, tại các tỉnh thành trong cả nước: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, đảo Bạch Long Vĩ, Thanh Hoá, Nghệ An, Huế, Quảng Ngãi, Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Quảng Nam, Đà Nẵng…

Ngoài việc phục vụ cho trưng bày cố định và triển lãm lưu động, kho Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam còn phục vụ cho các nhà nghiên cứu khoa học về dân tộc học, các cơ quan hữu quan, các bảo tàng Trung ương, địa phương trong nước, ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, trao đổi toạ đàm các vấn đề về văn hoá dân tộc…

Trong năm 2009-2010, dự án cải tạo tầng hầm nhà bảo tàng làm kho bảo quản hiện vật Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt với 4 kho A, B, C, D.

-Kho A gồm có 4 kho chất liệu:

+Kho bảo quản chất liệu đồ Dệt với hơn 6.000 hiện vật.

+Kho bảo quản chất liệu đồ Giấy với gần 2.000 hiện vật.

+Kho bảo quản chất liệu đồ Hội hoạ hơn 1.000 hiện vật.

+ Kho bảo quản chất liệu phim ảnh, băng từ với gần 12.000 hiện vật.

-Kho B gồm kho chất liệu bảo quản đồ Mộc với gần 4.000 nghìn hiện vật. Một phòng tu sửa, phục chế hiện vật.

-Kho C gồm có 3 kho chất liệu và một phòng sử lý hiện vật bằng hoá chất.

+Kho bảo quản chất liệu đồ Kim loại với hơn 5.000 hiện vật.

+Kho bảo quản chất liệu đồ Da với gần 500 hiện vật.

+Kho bảo quản chất liệu đồ Nhựa với gần 200 hiện vật

-Kho D gồm có 3 kho chất liệu, phòng làm việc và phòng bảo quản tạm thời.

+Kho bảo quản chất liệu đồ Đá với hơn 400 hiện vật

+Kho bảo quản chất liệu đồ Sành với hơn 500 hiện vật.

+Kho bảo quản chất liệu đồ Xương với gần 200 hiện vật

Cùng với cả nước chào đón thiên niên kỷ mới, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam bước vào tuổi 50 với một khí thế mới, công tác kiểm kê và bảo quản cũng có những tiến bộ vượt bậc, hiện vật được phân loại theo từng chất liệu, lập hệ thống phích phiếu hoàn chỉnh, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý hiện vật bảo tàng, nối mạng Internet để chúng ta có điều kiện học hỏi, giao lưu văn hoá với các bảo tàng trong nước và nước ngoài. Thực hiện được điều đó, chúng ta sẽ làm được một việc lớn lao góp phần vào sự nghiệp bảo tồn phát huy di sản văn hoá dân tộc.